Phương ngữ Nam Bộ có nhiều nét khác biệt với phương ngữ Bắc Bộ hay Trung Bộ. Một trong những đặc trưng đó là sự cường điệu hoá: no lòi bản họng – đã no ra ngoài miệng không thể ăn được nữa, cao trật ót – cao ngất nghểu đến mức phải ngẩng cổ nhìn thẳng lên làm cho gáy cổ như gập lại.

Ngoài ra, có nhiều phương ngữ Nam Bộ thú vị, Tiếng Việt giàu đẹp xin chia sẻ trong bài viết này.
– Ạch đụi: ì ạch, nặng nhọc, vất vả, bấp bênh, từ mô tả tình trạng tiến triển chậm chạp, khó nhọc.
– Bồ tèo: bạn chí thân.
– Cu ki: một mình, có tính chất đơn độc, riêng lẻ.
– Đồ lô: đồ không chính hiệu, sản phẩm có tính chất địa phương.
– Ém nhẹm: giấu kín, không để lộ.
– Huông: điều xấu lặp lại, tái diễn.
– Láng lình: láng bóng và trơn trượt, do có nước và bùn đất làm cho trơn bóng.
– Lớn sởn: bất cẩn, không nhìn trước ngó sau.
– Mình dây: chỉ những người có thân hình gầy.
– Núng níu: làm ra vẻ hờn dỗi, giận dỗi để được yêu chiều.
– Ọt rơ: việt vị, xuống trước hàng hậu vệ đối phương khi bóng xuống.
– Rậm rề: thậm tệ, từ biểu thị mức độ cao của sự chê bai, mỉa mai, xem thường, ý đánh giá thấp.
– Rị mọ: mò mẫm, loay hoay, tìm phương cách, cách thức thực hiện bằng cách mày mò, tự tìm hiểu, khám phá.
– Sạp kí nìn: nằm liệt giường, không ngồi dậy nổi.
– Sớ rớ: láng cháng, quẩn quanh bên cạnh, không có mục đích rõ ràng.
– Tai cây: cứng đầu, ương ngạnh, không nghe lời khuyên của ai.
– Thải lải: cởi mở, có tính cách rộng rãi, tốt bụng, vui vẻ trong quan hệ.
– Thỏng thẳng: thủng thẳng, chậm rãi, từ từ, không có việc gì cần vội.
– Trịch mắt me: không đúng với kế hoạch, điểm quy định, điều được dựu tính, sắp xếp.
– Tức cành hông: rất khó chịu, tức tối, bực bội đến mức đau ngang hai bên hông
– Ú na ú núc: béo núc ních, béo đến độ các khối thịt như phát triển hết cỡ, chèn ép với nhau.
– Um sùm: om sòm, ầm ĩ, gây náo động
– Ứ gan: ứa gan, tức đến độ không chịu được, giận đến mức dữ dội.
Quý độc giả còn biết thêm từ nào thú vị không? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận nhé!
(Tham khảo từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín)