1. Tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa – danh nhân văn hóa xứ Tây Đô
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – hiệu Nghi Chi – sinh năm 1807, mất năm 1872. Quê quán tại thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (ngày nay là khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).

Ông là một trong những danh nhân văn hóa nổi tiếng của xứ Tây Đô (Ảnh: Sưu tầm)
Năm Ất Mùi (1835), ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) của kỳ thi Hương ở Gia Định – năm Minh Mạng thứ XVI. Do đó, ông thường được gọi là thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay thủ khoa Nghĩa. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm quan Tri huyện Phước Chánh (Biên Hòa) và trở thành Tri phủ Trà Vang (nay là tỉnh Trà Vinh).
Trong suốt 24 năm làm quan, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trải qua những năm tháng thăng trầm trên con đường quan lộ. Tuy nhiên, ông luôn nêu cao tinh thần chính nghĩa, vì nhân dân chống cường hào ác bá. Năm 1848, do bênh vực dân nghèo trong vụ án “Rạch Láng Thé” nên ông bị gian thần vu oan, triều đình kết án tử. Sau đó, phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã ra tận kinh đô Huế để kêu oan cho chồng. Cảm kích hành động can trường của bà, vua Tự Đức tha tội chết cho Bùi Hữu Nghĩa và ông bị đày ra trấn thủ ở biên giới Vĩnh Thông (nay là thành phố Châu Đốc).

Bức tượng bán thân của ông được trưng bày trong khu tưởng niệm (Ảnh: Sưu tầm)
Năm 1867, ông cáo quan về quê mở trường học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, lấy hiệu là “Liễu Lâm chủ nhân” và dành ngòi bút lên án thực dân Pháp, cổ vũ tinh thần yêu nước. Trong đó, không thể không kể đến vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” của ông đã được trình diễn trên khắp đất Việt và cũng là vở tuồng đầu tiên của Việt Nam được dịch sang tiếng Pháp. Do đó, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa còn được tôn vinh là một trong bốn “Rồng Vàng” của đất Nam Bộ.

Vở tuồng “Kim Thạch Kỳ Duyên” của ông được dịch sang tiếng Pháp (Ảnh: Sưu tầm)
Kể cả sau khi từ quan, ông vẫn bí mật giúp nghĩa quân Phan Tôn – Phan Liêm mở rộng thế lực ở Cần Thơ, Vĩnh Long trong những năm 1967 – 1868 và làm cố vấn cho nghĩa quân Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ vào năm 1869.
Ngày 21/1/1872 (năm Nhâm Thân), ông qua đời sau một thời gian lâm bệnh, thọ 65 tuổi. Ngưỡng mộ công đức của ông, người dân và chính quyền địa phương đã xây dựng khu mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Hằng năm, cứ vào ngày 21 tháng Giêng đều tổ chức lễ tưởng niệm với nhiều hoạt động phong phú.
Vì vậy, nếu có dịp đến xứ Tây Đô, ngoài nhà cổ Bình Thủy Cần Thơ, đình Bình Thủy, chùa Nhã Nam, thiền viện trúc lâm Phương Nam… bạn đừng quên ghé thăm khu mộ cổ này nhé!
Nguồn: Tổng hợp